ZinC là gì? Uống kẽm trị mụn thế nào để đạt hiệu quả cao nhất

XEM NHANH

    23 Tháng 02
    Đăng bởi:  Thanh Ngân

    ZinC là gì? Uống kẽm trị mụn thế nào để đạt hiệu quả cao nhất

    Có thể uống Kẽm để trị mụn không? Cách sử dụng và vai trò của Kẽm đối với sức khỏe, làn da sẽ được bật mí bởi thông tin tổng hợp từ Blissberry, xem ngay nhé!

    Việc điều trị mụn không những phải từ bên ngoài mà còn phụ thuộc vào những yếu tố bên trong như nguồn thức ăn bạn, các chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất mỗi ngày. 

    Khoáng chất rất cần thiết cho việc điều trị mụn chính là Kẽm (ZinC) , với những thông tin ngắn gọn được tổng hợp từ Blissberry, chúng ta hãy tìm hiểu kĩ hơn về khoáng chất quan trọng "nổi tiếng" này nhé!

    A. Vai trò của kẽm đối với cơ thể

    Kẽm (1) là một trong nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu mà cơ thể cần thiết. Vai trò chủ yếu của chất khoáng này là bảo vệ hệ thống miễn dịch chúng ta bằng cách chống lại các tế bào có hại. Đáng chú ý, kẽm còn được ứng dụng trong cả điều trị mụn trứng cá, và là một trong những hình thức điều trị được nghiên cứu phổ biến nhất.

    Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (National Institutes of Health – NIH), kẽm có vai trò cực kì thiết yếu trong các quá trình sau, gồm có:

    • Thời kì tăng trưởng
    • Làm lành vết thương
    • Hệ thống miễn dịch
    • Hoạt động của enzyme

    Đặc biệt, kẽm còn được chỉ định trong da liễu nhằm điều trị bệnh mụn trứng cá.

    B. Lợi ích của kẽm với da mụn?

    Mụn trứng cá là vấn đề da phổ biến nhất ở vị thành niên, chiếm đến 90-95% số người ở độ tuổi này. Một số loại thuốc uống lẫn dùng ngoài thường được sử dụng trong điều trị mụn, có thể kể đến như kháng sinh, hay các retinoid. Đối phó với tình trạng đề kháng kháng sinh, nhiều liệu pháp mới đã và đang được nghiên cứu để kiểm soát căn bệnh về da này. Trong đó, điều trị mụn trứng cá bằng kẽm được bắt đầu sử dụng rộng rãi nhờ vào kết quả nghiên cứu của Lidén và các cộng sự đã chứng minh nồng độ kẽm trong máu thấp ở các bệnh nhân bị mụn trứng cá.
    Với vai trò trong hệ miễn dịch, kẽm ức chế sự biểu hiện của các thể liên kết do tế bào sừng và điều hòa sự sản xuất yếu tố gây viêm (TNF-α, IL-6) cũng như giảm thiểu các chất trung gian gây viêm như nitric oxide. 

    • Kháng viêm
    • Diệt vi khuẩn gây mụn P.Acnes
    • Ức chế sản xuất bã nhờn thừa (sebum), giảm tiết dầu cho da

    Các bệnh nhân bị mụn trứng cá có nồng độ kẽm trong máu thấp 

    Ngoài ra, kẽm còn được cho là có khả năng chống oxy hóa và hữu hiệu trong việc ngăn chặn tổn thương do tác động của tia UV.
    Ngoài điều trị mụn, kẽm còn có công dụng trong điều trị các tình trạng về da như:

    • Nám da
    • Viêm da dầu (seborrheic dermatitis)
    • Chứng đỏ da vùng mặt (rosacea)
    • Bệnh chàm (eczema)

    C. Bổ sung kẽm như thế nào

    1. Liều lượng

    Theo NIH, nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị (Recommended Dietary Allowance - RDA) của Kẽm (tính tổng với cả hai con đường hấp thu: thức ăn và viên bổ sung) như sau:

    • Trẻ em 9–13 tuổi: 8 mg/ngày
    • Trẻ từ 14-18 tuổi: nam 11 mg/ngày; nữ 9 mg/ngày
    • Người trên 19 tuổi: nam 11 mg/ngày, nữ 8 mg/ngày
    • Phụ nữ có thai: 11–12 mg/ngày
    • Phụ nữ đang cho con bú: 12–13 mg/ngày

    2. Viên uống

    Viên uống bổ sung kẽm là giải pháp hữu hiệu để bổ sung vi chất một cách dễ dàng và có thể định lượng. Các sản phẩm uống này thường chứa kẽm ở dạng đơn độc hoặc kết hợp chung với các vitamin và chất khoáng thiết yếu khác trong 1 viên tổng hợp. Một số muối kẽm đường uống phổ biến là:

    • Kẽm sulfat
    • Kẽm acetat
    • Kẽm gluconat

    Các sản phẩm viên uống bổ sung kẽm

    Theo kết quả nghiên cứu, kẽm sulfat đường uống có hiệu quả trong điều trị mụn trứng cá thể nặng hơn là điều trị mụn trứng cá nhẹ đến trung bình. Tuy nhiên, sự xuất hiện các tác dụng phụ như nôn, buồn nôn và tiêu chảy xảy ra khá thường xuyên.
    Tương tự, gluconate kẽm đường uống cũng được chứng minh là hữu ích trong việc kiểm soát mụn viêm. Mặc dù vậy, điều trị mụn trứng cá bằng muối kẽm dường như chỉ có hiệu quả tương đương hoặc kém hơn so với các tetracycline toàn thân (minocycline, oxytetracycline).

    Ngoài ra, một phức hợp kẽm liên kết với chất chống oxy hóa đã được thử nghiệm gần đây và thấy hữu ích trong việc kiểm soát mụn trứng cá từ nhẹ đến trung bình. Có thể thấy, các liệu pháp kẽm kết hợp hay đơn trị liệu đều là giải pháp thay thế trong điều trị mụn trứng cá nhằm giảm tác dụng phụ của các thuốc kháng sinh và đối phó tình trạng đề kháng kháng sinh tăng cao của các chủng vi khuẩn Propionibacterium acnes.

    Dù đã được chứng minh với rất nhiều công dụng, nhưng trước khi cân nhắc sử dụng liệu pháp kẽm để trị mụn, bạn cần kiểm soát lượng kẽm đã hấp thu từ chế độ ăn hằng ngày, và nên tham khảo thêm ý kiến bác sĩ, chuyên gia da liễu. 

    3. Thời gian uống

    Theo tư vấn từ nhiều chuyên gia dinh dưỡng, thời điểm tốt nhất để bạn uống viên kẽm là vào buổi sáng, khoảng 1 giờ trước khi ăn hoặc 2 giờ sau bữa ăn.

    Lưu ý rằng, bạn không nên uống viên kẽm  khi cảm thấy đói, vì có thể gây rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng tới dạ dày.

    4. Bổ sung các chất tăng hấp thu kẽm

    Đồng thời, trong quá trình dùng viên kẽm, bạn nên bổ sung thêm các vitamin A, B6, C, và phospho để tăng khả năng hấp thu kẽm của cơ thể.

    Cũng như sử dụng cách xa 2-3 tiếng với các chất có thể ngăn chặn hấp thu hoặc tăng đào thải kẽm như sắt, calci, magie, và các kháng sinh tetracycline, quinolon.  

    5. Thực phẩm giàu kẽm

    Tuy không tiện lợi như các viên uống, nhưng thực phẩm là một nguồn bổ sung kẽm cực kì hữu dụng và lành tính. Cũng như các chất dinh dưỡng khác, cơ thể bạn sẽ hấp thu kẽm có nguồn gốc từ thiên nhiên hiệu quả hơn là các thực phẩm chức năng. Và theo NIH hàu là thức ăn có hàm lượng kẽm cao nhất trong khẩu phần. Ngoài ra, các một số thực phẩm cũng cung cấp kẽm dồi dào gồm có:

    • Thịt đỏ và gia cầm
    • Hải sản như tôm, sò, cá
    • Các sản phẩm từ sữa
    • Ngũ cốc nguyên hạt
    • Các loại đậu, quả hạch

    Các thực phẩm giàu kẽm

    D. Nguy cơ và tác dụng phụ

    Dẫu là một vi chất thiết yếu cho cơ thể, nhưng dung nạp kẽm quá liều có thể gây ra tình trạng bất ổn cho sức khỏe của bạn. Một số triệu chứng phổ biến bạn có thể gặp phải khi thừa kẽm là:

    • Tiêu chảy
    • Đau bụng
    • Đau đầu
    • Ăn mất ngon
    • Nôn, buồn nôn
    • Đau dạ dày

    Ngoài ra, dư kẽm còn có thể ảnh hưởng đến hàm lượng cholesterol có lợi (HDL-C) trong cơ thể bạn

    E. Chia sẻ từ Blissberry

    Kẽm luôn là một chất khoáng thiết yếu duy trì sức khỏe của cơ thể bạn từ bên trong lẫn bên ngoài. Với đặc tính kháng viêm hiệu quả, kẽm sẽ rất hữu hiệu để điều trị mụn viêm, sẹo mụn. Trong trường hợp cần thiết, hãy trao đổi thêm với bác sĩ, hoặc chuyên gia da liễu để tìm hiểu cách sử dụng sao cho phù hợp với tình trạng mà bạn mắc phải. 

    Xem thêm
    popup

    Số lượng:

    Tổng tiền: