-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
XEM NHANH
20
Tháng 02
Đăng bởi: Thanh Ngân
Chứng nhận GMP là gì?
Bạn đã bao giờ nghe về tiêu chuẩn GMP? Đây chắc chắn là bài viết không thể bỏ qua nếu bạn đang tìm kiếm mỹ phẩm đạt chất lượng và an toàn.
GMP có thể là một khái niệm còn khá xa lạ với nhiều người, nhưng thực tế, đây là một tiêu chuẩn rất phố biển trong ngành công nghiệp sản xuất. Với mong muốn mang lại trải nghiệm sản phẩm tốt nhất cho người dùng, các hãng sản xuất luôn cố gắng tuân theo bộ tiêu chuẩn nghiêm ngặt và khắt khe nhằm tạo ra mỹ phẩm đạt chất lượng đồng đều và tốt nhất.
Nhưng với tư cách là người tiêu dùng, chúng ta có thể còn chưa biết nhiều về bộ nguyên tắc trong sản xuất mỹ phẩm này. Vậy hôm nay các bạn hãy cùng Blissberry tìm hiểu về chứng nhận hay ho này nhé!
A. GMP là gì?
Thực hành sản xuất tốt (GMP) là tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt nhằm đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn trong cấp phép sản xuất, buôn bán thực phẩm và đồ uống, mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, và thiết bị y tế.
Quy trình này đưa ra các yêu cầu tối thiểu mà những nhà sản xuất phải đáp ứng để đảm bảo rằng sản phẩm của họ luôn có chất lượng cao và đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn.
GMP cũng kiểm soát tất cả các khía cạnh của quá trình sản xuất từ nguyên vật liệu, cơ sở, trang thiết bị sản xuất đến nhân viên làm việc tại cơ sở.
B. GMP trong mỹ phẩm
Trong công nghệ bào chế mỹ phẩm, GMP được áp dụng nhằm đảm bảo một cách chắc chắn rằng sản phẩm được sản xuất một cách ổn định, luôn luôn đạt chất lượng để đảm bảo sức khỏe và lợi ích của người tiêu dùng.
1. Mục đích của GMP
Vị trí và vai trò của GMP là bộ phận của công tác đánh giá chất lượng nhằm đảm bảo các sản phẩm được sản xuất ra và kiểm soát đồng nhất để tiêu chuẩn chất lượng phù hợp với mục đích sử dụng và theo yêu cầu của giấy phép lưu hành.
2. Nguyên tắc cơ bản
3 nguyên tắc cơ bản của GMP gồm có:
- Viết những gì cần làm (các hướng dẫn, quy trình thao tác chuẩn)
- Làm theo những gì đã viết
- Ghi kết quả vào hồ sơ (hồ sơ hoá)
C. Các yêu cầu của GMP mỹ phẩm
Tất cả các yêu cầu của GMP đều xoay quanh 5 yếu tố chính gồm có: nhà xưởng; trang thiết bị; nhân sự; nguyên vật liệu; quy trình sản xuất.
1. Nhà xưởng
Theo GMP, nhà xưởng cần được thiết kế và xây dựng ngăn chặn được việc xâm nhập hoặc lọt ra ngoài của tạp nhiễm. Chỉ cần tưởng tượng lọ kem dưỡng ẩm yêu thích của bạn xuất hiện một con kiến nhỏ xíu thôi thì cũng thật đáng sợ rồi đúng không nào!
Khi xây dựng thiết kế nhà xưởng, cần chú ý tới mức độ đóng kín của thiết bị. Nhà xưởng cần là một khối cấu trúc kín, không có kẽ hở để không khí thoát ra thông qua trần nhà, vết nứt hoặc các khu vực phụ trợ khác.
2. Trang thiết bị
Trang thiết bị và máy móc có quy định chặt chẽ về:
- Vị trí lắp đặt: phải phù hợp với trình tự dây chuyền công nghệ, phân chia khu vực riêng lẻ không chồng chéo lẫn nhau.
- Quy trình vệ sinh: phải sạch sẽ, tránh nguy cơ tạp nhiễm cho sản phẩm
3. Nhân sự
Đối với con người, GMP đòi hỏi cần phải có một đội ngũ nhân sự đầy đủ, với kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm, kỹ năng và năng lực cần thiết đáp ứng với chức năng nhiệm vụ được giao. Đội ngũ nhân sự phải có sức khoẻ tốt và đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ được giao.
4. Nguyên vật liệu
Nguyên vật liệu làm mỹ phẩm, kể cả bao bì phải đạt chất lượng, và được bảo quản trong điều kiện đảm bảo theo tiêu chuẩn theo GSP – Good Storage Practices (Thực hành tốt bảo quản mỹ phẩm, nguyên liệu làm mỹ phẩm).
Trong sản xuất mỹ phẩm, nước là nguyên liệu cần được quan tâm đặc biệt. Thiết bị sản xuất nước và hệ thống cấp nước phải đảm bảo cung cấp nước có chất lượng.
5. Quy trình sản xuất và hệ thống hồ sơ tài liệu
Quy trình sản xuất mỹ phẩm của nhà máy đạt GMP cần đảm bảo các yếu tố sau:
- Tất cả nguyên liệu được sử dụng đều phải được duyệt cho sản xuất theo đúng tiêu chuẩn chất lượng.
- Tất cả các trình tự sản xuất phải được thực hiện theo đúng các quy trình bằng văn bản.
- Tất cả những biện pháp kiểm tra trong quá trình sản xuất cần được thực hiện và ghi chép.
- Sản phẩm chờ đóng gói cần được dán nhãn thích hợp cho tới khi được phê duyệt của bộ phận quản lý chất lượng, nếu cần.
- Cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề nhiễm chéo ở tất cả các công đoạn trong quá trình sản xuất.
Ngoài ra, hệ thống hồ sơ tài liệu nên bao quát toàn bộ lai lịch của mỗi lô sản phẩm, từ nguyên vật liệu đến thành thành phẩm. Hệ thống này cần lưu lại các hoạt động bảo trì, bảo quản, kiểm tra chất lượng, phân phối và các vấn đề cụ thể khác liên quan đến GMP.
D. Lời kết
Ngành mỹ phẩm đang là một ngành kinh doanh có tốc độ tăng trưởng vượt bậc. Tuy nhiên để tạo ra một sản phẩm chất lượng và an toàn cho người sử dụng, doanh nghiệp cần phải đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe, trong đó đặc biệt là GMP. Và đối với người tiêu dùng, GMP cũng là một tiêu chí đáng tin cậy để chúng ta có thể lựa chọn cho bản thân bộ mỹ phẩm yêu thích một cách khôn ngoan và đúng đắn.